Dừa cạn có công dụng gì?

15:20 - 12/05/2019

Hiện nay, dừa cạn được được bày bán khá rộng rãi ở một số cửa hàng đông dược. Có người nói vị thuốc này có tác dụng chữa suy thận và cao huyết áp. Vậy thực chất dừa cạn có công dụng gì ?

Trả lời:

Dừa cạn có tên khoa học là Catharanthus roseus (L.) G. Don., thuộc họ Trúc đào Apocynaceae. Trong dân gian, còn gọi là trường xuân, hoa hải đằng, bông dừa, dương giác...Cây dừa cạn cao chừng 0,4 - 0,8m, có bộ rễ rất phát triển, thân gỗ ở phía gốc, mềm ở phần trên, mọc thành bụi dày, có cành đứng. Lá mọc đối, thuôn dài, đầu lá hơi nhọn, phía cuống hẹp nhọn, dài 3 - 8 cm, rộng 1 - 2,5 cm. Hoa trắng hoặc hồng, mùi thơm, mọc riêng lẻ ở các kẽ lá phía trên. Quả gồm hai đại, dài 2 - 4 cm, rộng 2 - 3 mm, mọc thẳng đứng, hơi ngả sang hai bên, trên vỏ có vạch dọc, đầu quả hơi tù, bên trong chứa 12 - 20 hạt nhỏ màu nâu nhạt, hình trứng, trên mặt hạt có các hột nổi thành đường chạy dọc.

     Theo nghiên cứu của dược học hiện đại, hoạt chất của dừa cạn là những ancaloid có nhân indol như vinblastine, vincristine, vinleurosin...có trong tất cả các bộ phận của cây, nhiều nhất trong rễ và lá. Dừa cạn có tác dụng chống ung thư, làm hạ huyết áp và đường máu, lợi niệu và kháng khuẩn. Theo kinh nghiệm của y học dân gian một số nước, rễ dừa cạn có tác dụng tẩy giun và chữa sốt. Thân và lá được dùng để chữa một số bệnh ngoài da và nhất là chữa bệnh tiểu đường. Kinh nghiệm dùng dừa cạn chữa bệnh tiểu đường cũng được ghi nhận ở Ấn độ, châu Úc, nam châu Phi, quần đảo Antilles, nhưng chứng minh bằng thực tế khoa học thì chưa có. Chính nhờ thực nghiệm trên chuột mà các nhà khoa học Canada đã phát hiện tác dụng làm giảm bạch cầu của một số chất tách được từ dừa cạn và dẫn đến sự phát hiện ra chất vincaleucoblastin và 3 ancaloid khác cũng có tác dụng chống u là leurosin, leurocristin và leurosidin. Ngoài ra, người ta còn phát hiện tác dụng tẩy giun khá mạnh, tác dụng lợi tiểu của catharanthin, vindolinin và vindolidin, nhưng ajmalicin lại có tác dụng ngược lại. Ở nước ta, nhân dân thường dùng dừa cạn dưới dạng thuốc sắc để làm thuốc lợi tiểu, chữa cao huyết áp và bệnh tiểu đường. Mỗi ngày dùng 10 - 16g.

ThS. Hoàng Khánh Toàn 
Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền - Bệnh viện TƯQĐ 108

<nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108>

Các tin khác
Công dụng, cách chế biến, cách dùng của củ tam thất?
Nghe nói uống nước Hà thủ ô làm cho tóc đen trở lại?
Phẫu thuật chỉnh hình chân bị vòng kiềng
Ứng dụng kỹ thuật TaTME - phẫu thuật nội soi
Viêm da cơ địa